Social dilemma and digital minimalism
"dilemma /dɪˈlemə/:a situation that makes problems, often one in which you have to make a very difficult choice between things of equal importance."
Song đề là một tình huống rắc rối, thường là khi bạn phải đưa ra quyết định chọn lựa một trong hai điều quan trọng không kém gì nhau.
Nếu muốn có cái nhìn khác hơn về mạng xã hội, Social dilemma (tạm dịch: Song đề xã hội) - một bộ phim tài liệu của Netflix sẽ làm bạn phải sợ hãi và suy nghĩ lại về việc dành thêm thời gian cho các không gian ảo. Với sự tham gia của nhiều cựu nhân viên các Big Tech như Google, Youtube, Pinterest, Facebook,... bộ phim đã vén màn nhiều bí mật đằng sau những ông lớn công nghệ và mặt trái của mạng xã hội.
CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC
Nếu bạn nghĩ rằng thời gian mỗi ngày bạn dành cho mạng xã hội chỉ là 1 - 2 tiếng thì mình cam đoan rằng con số thực sự phải gấp rưỡi hoặc gấp đôi số đó. Bạn không thể nhận thức được rằng mình đang biếu không cho mạng xã hội bao nhiêu vàng bạc nếu mà quy đổi từ thời gian ra. Đó không chỉ đơn giản là sự kết nối như người ta vẫn đang hô hào về sự kỳ diệu của mạng xã hội. Đó như là một gông cùm của thế kỷ 21, nhốt con người trong một màn hình 5 inch. Và đáng sợ hơn, đó là cuộc chiến không cân sức của bộ não con người không tiến hóa là bao trong hàng chục ngàn năm qua và công nghệ đang phát triển chóng mặt với hàm mũ.
Có lẽ đôi khi bạn cũng băn khoăn rằng: "Các công ty như Facebook, Youtube, ... kiếm tiền kiểu gì?" hay "Google chỉ là một công cụ tìm kiếm miễn phí?" và rồi lại lãng quên trong sự nhiệm màu của công nghệ và tâm trí dồn vào một bức ảnh thật lung linh để chiếm nhiều tương tác. Tin buồn cho bạn rằng, chính chúng ta đang là những sản phẩm được rao bán và người trả tiền cho các công ty công nghệ là những doanh nghiệp với hàng tá quảng cáo về sản phẩm của họ ta vẫn xem hàng ngày.
Mục đích của các trang mạng xã hội luôn là kéo dài thời gian sử dụng các ứng dụng và thu hút sự chú ý của bạn. Khi mà thế giới không phải được định hình bằng những định luật vật lý mà là quyết định của 50 nhà khoa học máy tính lên những màu xanh đỏ xuất hiện trên các màn hình điện tử của khoảng 2 tỷ con người. Mạng xã hội đang đưa chúng ta vào những khuôn mẫu, khi mà hàng tỷ noron thần kinh cảm xúc của con người chỉ được tóm gọn trong 6 reaction mà đôi khi ta vẫn phải phân vân chọn lựa để thả vào các bài viết. Mạng xã hội đang từ từ thay đổi con người, nhận thức, hành vi và thế giới quan của chúng ta, hướng chúng ta theo chiều mà nó muốn.
Với sự giúp sức của AI, các mạng xã hội ngày càng giỏi giang hơn trong việc níu chân chúng ta ở lại. Chắc chắn bạn sẽ giật mình khi biết rằng thời gian bạn sử dụng các mạng xã hội, thời gian bạn nhìn vào các bức ảnh, các nội dung bạn hay xem, những người bạn hay tương tác, các dữ liệu này đều đang được ghi lại. Chúng sẽ được phân tích và dần dần tạo nên một kho dữ liệu về chúng ta, từ đó sẽ luôn có những đề xuất có khả năng cao thu hút được sự quan tâm của chúng ta. Mình thực sự giật mình khi nhớ lại rằng có những thông báo rất lạ đời kiểu bạn bè của mình trên Facebook đăng bài mới hoặc story mới, hay khi có bạn này bình luận vào bài bạn kia, hay khi ai đó mới tham gia vào Facebook. Những kiểu thông báo này đẻ ra để cố níu chân mình lại, dụ dỗ mình nhấn vào đường link nào đó, miễn là mình ở trên Facebook lâu hơn. Thực sự là đợt đó mình không dùng mạng xã hội nhiều và nó làm mình sợ hãi nhiều hơn là sự màu nhiệm trong việc kết nối con người của mạng xã hội.
Và với sự lo sợ của nhiều người về sự thống trị của AI thì việc chúng ta đang dành thời gian quá nhiều cho mạng xã hội đã là cuộc thua đầu trong cuộc chiến giữa bản thân chúng ta với AI, không đâu xa.
MẶT TRÁI CỦA MẠNG XÃ HỘI
"There are only two industries that call their customers 'users': illegal drugs and software."
"Chỉ có hai nền công nghiệp gọi khách hàng của họ là người dùng: thuốc phiện và phần mềm. "
Mạng xã hội đang đánh vào bản năng thô sơ nhất của con người: muốn được khẳng định bản thân. Khi mà mạng xã hội cho phép người ta tự do chia sẻ thì có vẻ con người đang không nắm giữ được sức mạnh của quyền năng này.
Rất nhiều người đã dành thời gian chăm chút cho mình trên mạng xã hội. Nút Like được phát mình với mục đích kết nối mọi người đang trở thành "đồng tiền ảo" để đo lường sự nổi tiếng và được mọi người quan tâm. Việc bài đăng mới được bao nhiêu like, có ai bình luận không từ khi nào đã trở thành một nỗi bận tâm của chúng ta. Chúng ta luôn mong muốn được đón nhận từ mọi người, để tin rằng mình còn tồn tại. Vì vậy, chúng ta luôn muốn chia sẻ thêm những nội dung lên mạng xã hội, muốn để mọi người bàn tán về mình. Những giá trị thế giới ảo mang lại cũng rất là hư ảo mà thôi. Việc lấn át cuộc sống ảo với cuộc sống thường nhật sẽ gây ra nhiều sự xáo trộn, là một cuộc chiến tranh giành thời gian khốc liệt. Quyết định dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn, chúng ta đang đốt đi thời gian sống thực tế bên ngoài, được nhìn mặt bạn bè ngoài đời hơn là những avatar trong hình tròn nhỏ bằng đốt tay, được nghe giọng nói trực tiếp thay vì những dòng tin nhắn ngắt đoạn và icon nhiều màu.
Mạng xã hội cũng mang đến cho con người sự tự do trong việc lan truyền và đánh giá thông tin. Chưa bao giờ việc lan truyền thông tin giả lại diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay. Thêm vào đó, ai cũng góp những lời đánh giá bình phẩm về các vấn đề như xã hội như những chuyên gia lành nghề. Việc ném đá trên mạng xã hội chưa bao giờ lại tồi tệ như vậy, khi mà hạ thấp người khác lại được coi là nâng cao giá trị bản thân. Rất nhiều vấn đề ở mức độ xã hội khác đều có bàn tay của mạng xã hội nhúng vào, như một bàn tay vô hình với nghĩa là gây tội mà không ai biết.
Thực sự Social Dilemma là một bộ phim rất đáng suy ngẫm và nó đã giúp mình càng có thêm động lực cắt giảm việc sử dụng các mạng xã hội. Mạng xã hội rất nhiệm màu. Không ai phủ nhận cả. Nhưng mạng xã hội hoạt động vì lợi ích của người dùng và kết nối thế giới, xin lỗi nhé! Mình đã cố gắng trong việc giảm sự lệ thuộc vào mạng xã hội vì đây là sự giành giật cho chính mình, cho chính sự sống và tinh thần của mình.
MÌNH ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ TỐI GIẢN CÔNG NGHỆ?
Từ đầu năm nay, khi tiếp cận nhiều hơn với lối sống tối giản, mình cũng đã tối giản kha khá trong việc sử dụng mạng xã hội. Thú thực là mình chưa thể bỏ sử dụng các mạng xã hội ngay, vì rất nhiều các liên lạc của mình là nhờ chúng. Không thể phủ nhận lợi ích này nhưng chắc chắn sẽ không đủ để vớt vát các mặt trái nó mang lại. Sau khi xem xong bộ phim, mình đã quyết định xóa 3 ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại, bao gồm Facebook, Reddit và Quora. Ngoài ra, mình cũng có nhiều việc làm khác để giảm thiểu sử dụng mạng xã hội trong thời gian của mình.
1. Cắt giảm mạng xã hội:
Mình đã xóa Facebook trên điện thoại để giảm thời gian sử dụng Facebook một cách vô thức. Nếu cần thiết thì mình sẽ sử dụng trên máy tính hoặc gấp hơn thì dùng tạm trên Chrome của điện thoại.
Các ứng dụng mạng xã hội còn lại của mình không được đặt ở màn hình chính và vị trí dễ dàng mở. Điều này sẽ khiến việc vô thức mở các trang mạng xã hội đó sẽ giảm đi.
2. Tắt các thông báo.
Mình tắt hoàn toàn thông báo của Facebook và Instagram và không để thông báo hiển thị ở màn hình chờ của điện thoại. Việc các thông báo liên tục xuất hiện sẽ làm mình có xu hướng kiểm tra xem có gì mới xảy ra, dễ bị xao nhãng khỏi công việc.
Đối với Messenger, ứng dụng mình thường dùng để liên lạc, mình không để chế độ bong bóng chat. Việc hiện bong bóng chat sẽ khiến mình dễ dàng trả lời các tin nhắn và tiếp tay cho việc sa đà vào các tin nhắn. Đồng thời, các thông báo tin nhắn của mình không pop-up lên màn hình mà chỉ hiện lên ở phần thông báo. Mình cũng không hiển thị để xem trước nội dung các cuộc trò chuyện vì với cùng lý do sẽ gây tò mò cho mình và check tin nhắn nửa chừng.
3. Chọn lọc nội dung trên các mạng xã hội.
Mình đã có một cuộc đại thanh lọc các nội dung trên mạng xã hội sau mấy năm trời tích lũy đủ loại nội dung yêu thích từ hồi cấp 2 đến giờ. Với phương châm ít hơn là nhiều hơn, mình đã giảm số lượng trang yêu thích, chỉ tham gia vào các nhóm cần thiết trên Facebook, giảm số lượng bạn bè, bỏ theo dõi nhiều kênh không hay xem trên Youtube.
Hạn chế các nội dung được đề xuất trên Youtube và chọn không quan tâm với các nội dung mình không hứng thú để không bị đề xuất lại. (Trong phim, chính người tạo ra thuật toán đề xuất trên Youtube đã khuyên không nên nhấn vào các đề xuất mà chỉ nên tìm kiếm trực tiếp).
Việc giảm bớt thời gian vô thức trên mạng xã hội hơn đã đòi lại cho mình nhiều thời gian ý nghĩa hơn cho bản thân. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh với mạng xã hội chưa bao giờ lại là một trận đấu căng go đến như vậy. Chắc chắn mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau về điều này. Nhưng từ góc nhìn của những người tạo ra nó còn thấy nó không được ổn lắm thì chắc chắn chúng ta cũng nên nhìn nhận lại về sự cần thiết của nó trong cuộc sống. Dẫu sao thì lựa chọn của mình sẽ là cắt giảm nhiều hơn mạng xã hội, có nhiều thời gian hơn cho những kế hoạch có ý nghĩa.
Nhận xét
Đăng nhận xét