Trước đây, mình chưa bao giờ thích thú với việc đọc sách cả. Như số đông mọi người phàn nàn về việc muốn đọc sách nhưng không thể duy trì được lâu, những cuốn sách đối với mình chỉ như những liều thuốc ngủ, không hơn không kém. Và sách chưa bao giờ là một ưu tiên trong việc phân bổ thời gian của mình. Tuy nhiên, 2020 là một năm đánh dấu một sự thay đổi lớn của mình khi sách đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình.
TẠI SAO MÌNH BẮT ĐẦU ĐỌC SÁCH?
Ngày đầu tiên mình bắt đầu đọc sách, theo ghi chú trong HabitHub của mình là 10/03/2020, với cuốn sách "Lối sống tối giản của người Nhật" của tác giả Sasaki Fumio. Đây là khoảng thời gian sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán và dịch COVID-19 khiến mình chưa thể trở lại trường học. Mình không nhớ rõ động lực gì giúp mình bắt đầu ngày đầu tiên đọc sách nữa, nhưng tại sao mình bắt đầu đọc sách và tại sao là cuốn sách này thì có lý do đó.
Đợt đó mình mới theo dõi kênh Youtube của The Hanoi Chamomile, cảm giác gặp được kênh Youtube đúng gu mình. Mình nghe nhiều chia sẻ của anh, trong đó khá ấn tượng với thói quen đọc sách mỗi ngày của anh. Vâng, chính xác là mỗi ngày đó. Duy trì một việc đơn giản như uống nước mỗi sáng cũng đã khó lắm rồi, kiên trì đọc sách mỗi ngày quả là một kì tích. Mình đã nhận ra một điều rằng không phải động lực hay hứng khởi ban đầu là thứ đưa bạn đến với thành công. Những bước đi nhỏ và ngắn, tích lũy hàng ngày sẽ làm được điều đó. Anh ấy đã gợi ý nếu bắt đầu đọc sách hay làm bất cứ việc gì, nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất (start small) và tăng dần cường độ lên. Đối với việc đọc sách sẽ đơn giản chỉ là 1 trang sách một trang.
Tại sao là cuốn sách "Lối sống tối giản của người Nhật"? Anh Kira có chia sẻ rằng, đây là một cuốn sách đã thay đổi cuộc đời anh ấy rất nhiều, vì anh ấy cũng từng có một giai đoạn trầm cảm nặng. Và những ý tứ ban đầu về lối sống tối giản mình cảm nhận qua video của anh cũng làm mình khá ấn tượng với lối sống này. Và vì vậy, mình đã bắt đầu đọc sách như vậy. Không ngờ là một năm nhìn lại, những gì mình đã làm được khiến mình cũng không thể tin nổi.
MÌNH ĐÃ ĐỌC NHỮNG GÌ?
Gần một năm qua, tính từ ngày đầu tiên mình bắt đầu đọc là 10/03/2020 đến khi mình viết bài post này là 05/01/2020, tổng cuốn sách mình đã đọc được là 39 (tất nhiên là trừ các quyển sách giáo trình môn học) với tổng thời gian đọc là 109 giờ (tính từ app Forest). Đa số các cuốn sách này đều là sách điện tử, vì mình không mua sách giấy được và sự tiện lợi khi đọc sách điện tử trong các khoảng thời gian rảnh của mình.Từ thói quen đọc một trang sách mỗi ngày, mình đã tăng dần lên và duy trì ở mức tối thiểu 25 phút/ngày. Những hôm bận hoặc đợt cao điểm tập trung cho những việc khác, mình có thể chỉ cần đọc 1 trang sách để hoàn thành thói quen của mình.
Đa số những cuốn sách mình đọc là tiếng Việt, một vài cuốn bằng tiếng Anh hoặc tóm tắt bằng tiếng Anh. Trong thời gian mình ôn luyện cho kì thi JLPT, mình đã thay thế thói quen đọc sách của mình bằng việc luyện cách bài đọc hiểu tiếng Nhật.
Nội dung những cuốn sách của mình cũng khá đa dạng. Giai đoạn đầu, mình đọc khá nhiều sách về phong cách sống, đặc biệt là lối sống tối giản, ví dụ như: Lối sống tối giản của người Nhật, Tối giản - Sở hữu ít đi, hạnh phúc nhiều hơn,.... Sau đó, mình mở rộng các sách khác về kĩ năng: Atomic habits, Habit stacking, Sống theo phong cách 80/20,..., sức khỏe: Why we sleep, Nhân tố Enzyme,..., văn học Việt Nam: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Ăn mày dĩ vãng,.., văn học nước ngoài,...
MÌNH ĐÃ NHẬN ĐƯỢC GÌ TỪ VIỆC ĐỌC SÁCH?
Những lợi ích của sách chắc quá là rõ ràng rồi, chẳng cần đến lượt mình phải chỉ ra hay thuyết phục các bạn tin nữa. Nhưng bản thân mình, sau gần một năm đọc sách, mình mới thực sự được kiểm chứng những điều này.
Mình đã làm được điều mình nghĩ rằng không thể. Mình chưa từng nghĩ rằng mình sẽ kiên trì đọc sách được như ngày hôm nay. Nghĩ rằng mình không thể chỉ là lý do để mình trì hoãn bất kỳ công việc gì. Việc tạo ra thói quen đọc sách đã tạo cho mình niềm tin rằng mình có thể làm bất cứ việc gì, miễn là mình có sự chuẩn bị đầy đủ và một tinh thần không sợ thất bại. Không nên tin vào sự hứng khởi tức thời mà nên bắt đầu từ những việc nhỏ, duy trì dần dần và biến nó trở thành một thói quen không thể bỏ được.
Mình đã hiểu biết nhiều hơn. Cái này thì thực sự là quá rõ ràng rồi. Mình đã có thêm nhiều hiểu biết về các lĩnh vực liên quan mà mình đọc. Mình được nghe nhiều quan điểm, nhiều lối sống, nhiều chia sẻ của mọi người. Mình thấy khả năng cảm thụ văn học và kĩ năng viết của mình cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều.
Mình đã tăng được sự tập trung và sự tưởng tượng. Giờ đây, 25' đọc sách của mình không còn là thời gian đánh vật với cơn buồn ngủ nữa, dù đôi lúc mình cũng hơi mệt và cũng ngủ giật giữa chừng ^^ Tuy nhiên, 25' đọc sách trôi đi thật nhanh với mình, mình như hoàn toàn tách biệt được suy nghĩ của mình và chìm đắm vào nội dung của những cuốn sách. Trí tưởng tượng của mình cũng cải thiện đáng kể ở việc thay vì chỉ đọc những con chữ vô hồn, mình có thể mường tượng ra bối cảnh của câu chuyện đó hay làm những phép so sánh với bản thân mình.
Mình đã cải thiện kĩ năng đọc hiểu và sự lười đọc văn xuôi. Đọc hiểu vẫn luôn là một cơn ác mộng kể cả khi bạn học ngoại ngữ hay cả trong tiếng mẹ đẻ của mình. Việc đọc hàng ngày đã giúp mình tăng tốc độ đọc và hiểu các nội dung nhanh hơn. Mình nghĩ điều này rất giúp ích trong việc tiếp nhận thông tin hàng ngày. Thêm nữa, vì đã quen đọc những cuốn sách tầm 200-300 trang nên mình không còn thấy sợ hãi khi cần phải đọc một cuốn giáo trình dày tầm đó hay hơn nữa để nghiên cứu cho môn học.
CUỐN SÁCH MÌNH THÍCH NHẤT
Mỗi quyển sách cũng như một món ăn, có thể nó vừa miệng người này nhưng không vừa miệng người khác. Bản thân mình trong quá trình chọn sách cũng phải tìm hiểu trước về nội dung và đọc review trên mạng rồi mới quyết định đọc hay không. Tuy nhiên, nhiều khi mình đã đọc một cuốn sách được gần nửa rồi vẫn phải bỏ dở giữa chừng vì không hợp khẩu vị.
Để lựa chọn ra cuốn sách mình thích nhất, chắc mình sẽ nêu ra 2 cái tên mình có ấn tượng nhất. Cuốn sách đầu tiên có tựa "Atomic Habits" (Tạm dịch: "Thói quen nguyên tử" (chưa có bản dịch tiếng Việt)) của James Clear. Cuốn sách cung cấp những kiến thức về việc hình thành thói quen tốt và xấu của con người, vai trò của những thói quen và tại sao chúng ta cần những "thói quen nguyên tử". Nó củng cố niềm tin rằng động lực không phải thứ chúng ta đến thành công mà sự nỗ lực hàng ngày sẽ làm điều đó. Mình đã áp dụng điều này trong việc học tiếng Nhật và đọc sách của mình. Không có gì gọi là thành công sau một đêm cả (an overnight success). Thực chất nó chỉ đến độ diễn ra sự thay đổi về chất khi đã có đầy đủ sự tích lũy về lượng.
Cuốn sách thứ hai mình muốn chọn ra là "Fluent Forever" (Tựa tiếng Việt: Cách học ngoại ngữ nhanh và không bao giờ quên) của Gabriel Wyner, một cuốn sách cực kỳ thú vị cho những ai học ngoại ngữ. Cuốn sách đã đập tan những suy nghĩ thông thường rằng người lớn không thể học ngoại ngữ nhanh như trẻ con và không thể đạt được trình độ bản xứ. Với những nghiên cứu về cách con người ghi nhớ, tác giả đã đề xuất những phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả để "gian lận" trong quá trình học ngoại ngữ, nổi bật nhất là sử dụng Hệ thống lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition System). Mình sẽ cố gắng có một bài viết cụ thể hơn về quyển sách này và những phương pháp có thể học tập được.
MÌNH CẦN CẢI THIỆN GÌ?
Nhìn lại quá trình trong một năm qua của mình, bên cạnh những thành quả mình đã có được từ sách, mình thấy những điểm mà mình có thể cải thiện để việc đọc sách trở nên thú vị và hiệu quả hơn.
Trước tiên, mình cần cân nhắc khi lựa chọn các đầu sách. Có rất nhiều đầu sách của các tác giả khác nhau, thực sự là khiến mình chìm vào mê cung. Nếu chỉ nhìn tựa và đọc tóm tắt sơ sơ, quyển nào cũng làm mình muốn đọc khiến mình muốn ôm đồm nhiều. Mình sẽ cố gắng ưu tiên những thể loại, những tác giả hoặc những chủ đề mình sẽ yêu thích, nếu đọc và cảm thấy văn phong không thấy hợp, mình sẽ dừng lại luôn. Vì mình từng chọn phải những cuốn sách mình không thấy hợp nhưng vẫn cố đọc và vẫn bỏ giữa chừng.
Mình muốn cố gắng đọc thêm nhiều đầu sách tiếng Anh. Mình có thể đọc hiểu ổn các đầu sách tiếng Anh không quá sâu về chuyên ngành, nhưng chắc chắn tốc độ đọc sẽ không bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, đọc sách tiếng Anh sẽ giúp mình tăng khả năng đọc hiểu và nâng cao vốn từ vựng rất nhanh. Tiếng Nhật của mình cũng khá ổn để đọc hiểu ở mức độ trung cấp, nên mong rằng đến năm sau, mình đã có thể đọc được hết một quyển sách tiếng Nhật nào đó, Doraemon cũng tệ :>
Một vấn đề nữa mình nhận thấy là mình hơi quên nhanh nội dung các quyển sách do mình đọc khá là nhiều và không highlight nội dung chính lại. Vì vậy, trong năm tới, sau khi đọc xong các cuốn sách, mình sẽ cố gắng ghi chú lại các nội dung quan trọng hoặc viết thành các bài review để tóm tắt lại nội dung, cũng như đưa ra mức độ nên đọc lại hay không. Có lẽ mình cũng sẽ đọc lại một vài cuốn sách hay trong năm qua để thấm lại nội dung của nó.
Cảm ơn sách vì đã đồng hành với mình trong 2020 vừa qua, vì những gì mà sách đã mang lại. Bài viết này như một bài tổng kết nhỏ hành trình đọc sách của mình trong năm 2020, để làm động lực cho mình tiếp tục duy trì thói quen này. Rất nhiều người đã tiếc nuối mà ước ao rằng: "Giá như tôi đọc sách sớm hơn!" Không bao giờ là sớm và cũng chẳng bao giờ là muộn. Có thể là ngay bây giờ, bạn chọn một cuốn sách mà lâu nay bạn vẫn muốn đọc, đọc một trang sách trước giờ đi ngủ, và cứ thế duy trì. Biết đâu một năm sau, mình sẽ được đọc một bài viết tương tự như thế này từ các bạn!
Nhận xét
Đăng nhận xét